Vì sao phải chọn gà trống choai dâng cúng?
Theo TS Trần Thị Thu Thủy (Trưởng phòng Giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), con
gà trống trong dân gian được coi là con vật quan trọng, báo hiệu điều
lành, dữ, đoán định tương lai… Đầu năm, một số dân tộc như Mông, Tày…
thường đặt gà trống cúng trước bàn thờ, cắt tiết, thả ra xem lúc giãy
chết đầu gà sẽ quay về hướng nào để đoán định công việc làm ăn trong năm
ấy thất hay phát.
Nếu lúc giãy chết đầu gà quay về nơi thờ ma nhà hoặc buồng chủ nhà
thì năm đó gia đình sẽ làm ăn phát đạt. Nếu đầu gà quay ra cửa thì năm
đó làm ăn khó khăn, hao tiền tốn của. Họ sẽ bắt con gà khác cúng lại,
nếu vẫn như thế thì phải mời thầy cúng về hóa giải...
Còn với người Kinh thì lựa chọn gà cúng đơn giản hơn. Tuy nhiên, gà
cúng đêm giao thừa phải là gà trống hoa, trống mới le te gáy, không
khuyết tật, màu lông đỏ hay vàng đỏ, mào đơn thẳng đứng, mỏ vàng, chân
vàng… và quan trọng là chưa đạp mái (có ý nghĩa khỏe mạnh, tinh khiết)
thì lời thỉnh cầu mới linh nghiệm.
Với người Việt, gà trống như
cầu nối giữa thế giới con người với thế giới thần linh, là con vật được
chọn để dâng cúng thần linh, tổ tiên mỗi dịp lễ Tết. Con gà như biểu
tượng văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nghề nông,
dần thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam khi Tết đến, xuân về. Vì
vậy, dịp Tết giá gà trống rất đắt, gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Ở
các vùng quê, người dân lo mua gà trống choai về nuôi từ tháng 11, chậm
là đầu tháng 12 để dành đến Tết. Người ta cúng gà trống với hi vọng nó
sẽ đánh thức mặt trời, chiếu sáng cho đủ đầy ánh nắng cả năm, mang lại
mưa thuận gió hòa cho nông nghiệp.
Còn gà trống được chọn làm vật tế lễ thần linh, gia tiên là vì người
xưa cho gà trống có các tính quý và đẹp hơn hẳn các loại gia cầm khác:
Nhân (một gà trống có thể có 20-25 gà mái, đẻ ra hàng trăm gà con, nó
thường kiếm ăn bên đàn gà mái nuôi con nhỏ, có mồi thường nhường cho cả
mẹ con, có chim ác rình rập nó xả thân bảo vệ); Dũng (mào đẹp, cựa nhọn
sắc cứng như hai lưỡi gươm, bộ lông cánh sặc sỡ như áo giáp, dáng oai
hùng, hiên ngang); Trí (có những chú gà bé nhỏ hơn địch thủ, nhưng mưu
trí, chiến thuật, dễ dàng hạ gục đối phương); Tín nghĩa (dù nắng mưa,
bão bùng nhưng cứ hừng đông, gà trống lại nhảy lên một vị trí cao nhất
để cất tiếng gáy thanh cao, khỏe khoắn gọi mặt trời, đón ngày mới)… Do
đó, gà trống được chọn làm vật phẩm để cúng tế tổ tiên, gia thần.
Khi cúng lễ, nên để gà nguyên con, vì vừa đẹp mắt vừa nghiêm cẩn (Ảnh: T.G)
Đặt gà thế nào trên bàn thờ?
Theo ông Hà Thanh (Trung tâm Nghiên cứu cổ học Phương Đông – Liên
hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), mọi người quan niệm có được
con gà cúng như ý sẽ yên tâm đón một năm mới tốt đẹp. “Với mâm cúng giao
thừa nên đặt đầu gà quay ra đường để đón ngài Tân niên hành khiển đi
qua (theo quan niệm dân gian thì mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ
quan quân trông nom việc hạ giới.
Cúng Giao thừa là tiễn đưa quan quân cai quản năm cũ và đón quan quân
cai quản năm mới- PV). Riêng gà đặt cúng trên ban thờ, quan niệm chung
thường là đặt gà quay đầu vào trong bát hương với tư thế há miệng, chân
quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được coi là “con gà biết kêu, biết
gáy, đang chầu”. Không đặt gà quay đầu ra, vì cho đó là gà “không chịu
chầu”. Bày gà cúng nếu đặt đầu quay ra phía ngoài sẽ đẹp mắt hơn. Còn
quay đầu vào trong thì phao câu chổng ra ngoài, không đẹp mắt. Nhưng đó
chỉ là hình thức đẹp, chứ không có ý nghĩa gì”, ông Hà Thanh cho biết.
Cũng theo ông Hà Thanh, khi cúng lễ thì nên để nguyên cả con gà trống
vừa đẹp mắt, vừa nghiêm cẩn. Với gà mái, có thể chặt miếng, nhưng khi
bày đĩa không được đẹp mắt và giảm bớt phần nghiêm cẩn. Nếu chặt miếng,
phải để gà nguội thịt mới chặt để miếng thịt gà gọn mắt. Không nên chặt
khi thịt gà còn nóng vì vừa bị bắn bẩn xung quanh, thịt gà lại bị nát
nhũn, méo mó. Không nên dùng thịt gà quay, rán, ninh, om vì cả hình thức và màu sắc đều không đẹp, mất cân đối và không nghiêm cẩn.
Cách làm gà cúng đẹp
Gà luộc cho mâm cơm tất niên hơi khác với gà cúng Giao thừa. Gà cúng
Giao thừa phải là gà trống non, dâng cúng là chính. Gà cho mâm cơm tất
niên là để ăn, do đó cần chọn gà mái béo đã đẻ trứng một đợt ăn sẽ ngon hơn.
Theo chị Nguyễn Thị Thảo (Trưởng bộ phận bếp, Khách sạn Gondola,
Hà Nội), để có con gà cúng đẹp, người ta cần mổ moi, làm sạch sẽ bổ
miệng, cứa khớp để hai chân quặp vào bụng phía sau (khéo cứa chân để gà
không bị co về phía trước – là tư thế gà bực tức, co chân chuẩn bị đá
song phi). Đặt con gà nằm nghiêng trong nồi nước lạnh, đầu ngửa ra phía
lưng, chân quặp phía sau bụng, hai cánh co tự nhiên (tốt nhất là buộc
dáng trước khi bỏ vào nồi). Khi luộc cần lật đều hai bên để gà không bị
vẹo.
Muốn gà cúng ngon, đẹp làm gà xong cần rửa sạch tiết để nước không bị
đục. Cho gà vào nồi, đổ nước lạnh ngập thân gà (không cho gà vào nước
nóng vì da gà bị nóng đột ngột sẽ co lại, dễ bị rách), đun lửa tới sôi
lăn tăn (không sôi sùng sục) thì hớt bỏ bọt và cứ để thế khoảng 7- 8
phút. Nướng 1 củ gừng, 1 củ hành, đập giập bỏ vào nồi nước luộc gà rồi
luộc tiếp (5 phút nếu là gà non để cúng Giao thừa, 10 phút với gà luộc
để ăn). Tắt bếp, đậy vung, ngâm gà trong nước thêm 5 phút. Muốn da gà
giòn khi vớt ra thả ngay vào nước thật lạnh. Sau đó tháo dây buộc gà,
bày ra đĩa, mỏ gà cài bông hoa hồng đỏ rực (hoặc hoa tỉa từ củ hành lá
xanh cũng đẹp mắt), tiết, lòng gà nhét lại vào bụng gà.
- Gà được chọn để cúng lễ nhất thiết phải là gà trống tơ khỏe
mạnh, mào lớn màu cờ, mình gà vàng đầy đặn, chân vàng, chưa đạp mái.
- Gà trống hoa mơ (chân cao, màu vàng hoặc trắng), rồi tới gà
trống tía, trống đen, trống lông tạp, gà ri (màu mận, vàng sẫm, mào cờ 5
khía, chân nhỏ, chưa nhú cựa, da và chân màu vàng) cũng rất được chuộng
để cúng tế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét