Nước vối đã trở thành một thức uống quen thuộc của các vùng nông thôn dân dã, người ta ưa thích nước vối vì tính hàn.
Trà
đá, trà nóng, trà chanh là những thức uống trở nên phổ biến ở Việt Nam
ngày nay. Nói tới đàm đạo, tâm sự… người ta nhớ tới các loại trà. Nhưng
có một loại nước ngon và phổ biến ở nhà nhà vùng đồng bằng Bắc Bộ cách
đây khoảng vài chục năm đổ về trước, ấy là nước vối. Đối với nhiều người
lớn tuổi, nước vối chính là thứ “trà” của hồi ức, nơi lắng đọng tâm hồn
Việt.
Nước vối là thứ nước
được hãm bởi lá vối hoặc nụ vối. Các cụ nói, nước lá vối có tính nóng,
ngược lại, nước nụ vối thì có tính mát. Tùy vào sở thích mà người ta
dùng lá hay nụ. Lá vối và nụ vối đều được lấy từ cây vối, loài cây được
trồng hầu khắp các nơi ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nếu cái ao nào có một
cây vối bên bờ thì mùa hè sẽ mát, cá không bị nóng mà chết. Tuy nhiên,
ngày nay cây vối không còn phổ biến như vậy nữa. Giới trẻ nhiều người
không biết cây vối trông như thế nào. Kéo theo đó, nước vối cũng không
còn thông dụng.
Đối với nhiều người lớn tuổi, nước vối chính là thứ “trà” của hồi ức (Ảnh: internet)
Người
xưa cầu kỳ, nụ vối thu hoạch được phải được phơi nắng thật kỹ, thật
khô. Đến mức mà nhiều người để vối cả chục năm vẫn còn dùng được. Lá vối
hái ở trên cây xuống phải được phơi cho giòn như bánh đa nướng. Nhiều
nhà cầu kỳ dành riêng cho vối một chiếc ấm. Chiếc ấm ấy không dùng để
pha bất kỳ loại nước lá nào khác để tránh cho mùi hương của nước vối
không còn “thuần” nữa. Khi pha nước vối, rửa sạch lá cho vào ấm đã được
tráng nước sôi. Sau đó, đổ thật nhanh nước nóng đang sôi sùng sục vào
hãm. Không giống như nhiều loại trà dùng ngay như bây giờ, nước vối phải
chờ hãm cho bai nước ra mới uống.
Nước
vối có thể uống nguội hoặc uống nóng. Nước vối hơi chát mà vẫn ngọt,
thoảng mùi hương của thảo mộc. Đặc biệt, nước vối không đắng gắt như trà
mạn nên dễ uống và hợp với nhiều lứa tuổi.
Nước
vối là thứ nước rất được ưa chuộng trước đây. Không những được sử dụng
như một thức uống dân dã, thưởng thức nước vối còn được nâng lên thành
nghệ thuật. Nhiều gia đình cầu kỳ ướp hương sen vào vối khi mùa sen đến.
Nước vối sen trở thành thứ nước quý dành cho những người sành thưởng
thức.
Các cụ ngày xưa cất nụ vối
trong những lọ sành nhỏ nút lá chuối khô, như vậy có thể bảo quản được
rất lâu mà không nhạt hương nhạt vị. Đó là biểu hiện của sự nâng niu
tinh tế. Ngày nay, nước vối không còn phổ biến như trước nữa nhưng cũng
không phải là xa lạ với nhiều người Việt. Nhắc đến vối, người ta vẫn
mường tượng về một “đặc sản” của ẩm thực Việt Nam thời xa vắng.
Nhắc đến vối, người ta vẫn mường tượng về một “đặc sản” của ẩm thực Việt Nam thời xa vắng (Ảnh: internet)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét