Nền văn hóa chuộng món ngọt
Nhắc đến ẩm thực Ấn Độ, đa phần chúng ta đều quan niệm, gia vị là yếu tố hàng đầu làm nên đặc trưng của các món ăn. Thế nhưng, bên cạnh các loại gia vị, người Ấn Độ từ lâu đã có thói quen sử dụng sữa và các chế phẩm từ sữa để nấu ăn. Nhiều món ngọt Ấn Độ được ra đời dựa trên nền tảng sữa, bơ và sữa chua của bò và dê, như hỗn hợp hoa quả trộn cùng sữa chua lassi chẳng hạn.
Món tráng miệng ở Ấn thường kết hợp chế phẩm bơ sữa với các loại củ, đậu, hạt cùng đường, vừa phong phú đa dạng hơn hẳn các đất nước Châu Á khác, vừa mang đậm tinh thần Á Đông mà không bị nhầm lẫn với món ngọt phương Tây cũng chủ yếu dựa trên bơ sữa.
Đường quan trọng với đời sống ẩm thực của người Ấn đến nỗi tại đây, có cả một viện chuyên nghiên cứu về… mía! Dù đứng đầu thế giới về sản lượng đường mía nhưng Ấn Độ không xuất khẩu được bao nhiêu đường, vì hầu hết số đường này sẽ phục vụ cho chính khẩu vị hảo ngọt của người dân bản địa.
Chuộng món ngọt đến vậy, nên ngay từ thời kì cổ đại sơ khai, người Ấn đã đặc biệt quan tâm và phát triển nhiều công thức tráng miệng hấp dẫn. Một trong nhũng loại bánh kẹo cổ xưa vẫn tồn tại đến ngày nay ở Ấn là mithai. Chữ "mithai" trong ngôn ngữ Ấn Độ dùng để chỉ chung tất cả các loại kẹo, thường được làm từ bơ sữa, đường, đậu, hạt, hoa quả. Món kẹo này thường cũng mang ngoại hình rực rỡ, bắt mắt.
Những văn tịch cổ xưa bằng tiếng Phạn đã sớm nhắc đến mithai với tư cách món ăn hiến tế cho thần linh. Điển hình là trong sách Mānasollāsa - văn bản được xem như quyển công thức tráng miệng lâu đời nhất ở Ấn Độ - một số lượng lớn loại kẹo đã được miêu tả với công thức và hướng dẫn chế biến khá chi tiết.
Bên cạnh đó, hình dạng của mithai cũng sáng tạo và xinh xắn như chính phong cách phối màu của mình: có loại mô phỏng hình trái cây, loại lại làm thành hình tổ chim kì công,…
Barfi
Đây là món kẹo có nhiều phiên bản, nhưng nhìn chung đều mang hình thức thú vị như chính cái tên của mình vậy. Trong tiếng Ba Tư cổ, “barfi” có nghĩa là tuyết. Do đó, màu trắng muốt mịn màng cũng là đặc trưng của món kẹo cùng tên này. Với nhân bánh làm từ sữa hoặc sữa dừa nấu với đường cho đặc lại, hương vị Barfi còn được làm phong phú thêm nhờ các loại hạt từ hồ trăn, hạt điều, hạt dẻ cười, đến trái cây như xoài, dừa,… và thậm chí là hương liệu như thảo quả hay tinh chất hoa hồng.
Món kẹo Kaju Katli còn hay được gọi là Kaju Barfi, bởi xét về thành phần chính và cách chế biến,Kaju Katli không khác Barfi là mấy. Điều đặc biệt của món kẹo này là lớp phủ óng ánh bên ngoài, làm từ một loại lá ánh kim ăn được tên vark. Phần lá ánh kim này đã dần biến mất trong các phiên bản Barfi hiện đại, và đó cũng là lí do mà Kaju Katli được coi như một loại Barfi cổ điển hơn.
Các viên kẹo thường được cắt thành hình thoi mô phỏng hình dạng của viên kim cương, hoặc đôi khi cuộn lại thành hình trụ, tỏa sáng lấp lánh như những món trang sức tinh xảo, đặc biệt phù hợp với các dịp trọng đại trong đời sống Ấn Độ như cưới hỏi hay các lễ hội tôn giáo.
Nếu Barfi là ví dụ điển hình cho tầm quan trọng của sữa trong các loại kẹo Ấn Độ, thì Chena Murki lại là đại diện tiêu biểu cho pho mát Ấn. Những viên pho mát sữa trâu cô đặc – gọi là Chena– sẽ được nhúng qua một lớp sữa và đường cũng đã được đun nóng cho dẻo, đặc lại. Để làm ra các biến thể Chena Murki, người ta thường thêm những phụ gia như lá thơm, hạt và trái cây, hoặc lăn viên kẹo qua trái cây và hạt khô để tạo nên lớp áo bắt mắt. Thay vì sử dụng viên pho mát sữa trâu để làm Chena Murki, người ta cũng có thể thay thế bằng pho mát sữa bò hoặc sữa dê.
Vốn có nguồn gốc từ Bangladesh, nhưng Chumchum đã sớm du nhập vào Ấn Độ, và trở thành một trong những loại mithai nổi bật của đất nước này. Đặc trưng của Chumchum là lớp áo từ dừa nạo giòn rụm bao bên ngoài phần bột ẩm, mịn từ bột và kem sữa. Chumchum cũng là loại mithai có hình thức đáng yêu nhất với những tông màu pastel cực nữ tính như hồng nhạt, xanh bạc hà hay xanh da trời mơ màng.
Laddu nổi bật giữa các loại Mithai nhờ hình dáng tròn xinh như những quả bóng nhỏ. Thành phần chính của Laddu là bột đậu xanh besan, bột rava từ lúa mì semolina và dừa. Các thành phần chính này được nhào trộn cho đều rồi nấu trong ghee – một loại bơ béo đặc biệt của người Ấn. Do có nhiều chất béo nên Laddu cũng mang lớp vỏ óng ánh rất hấp dẫn. Người Ấn cũng chuộng “khoác áo” cho Laddu bằng vừng rang hay dừa nạo, bên cạnh phiên bản màu nâu vàng trơn truyền thống.
dat tiec buffet
nhan dat tiec sinh nhat
hoc nau an
0 nhận xét:
Đăng nhận xét