Bánh
cay vốn là “đặc sản” của các bạn học sinh ở trường chuyên Nguyễn Huệ,
Hà Đông. Nhắc tới bánh cay, ngay cả những người sành ăn nhất thủ đô
cũng có thể lơ ngơ, nhưng với những người sống ở quận Hà Đông (Hà Nội)
thì thức bánh này là quà chiều quen thuộc. Bánh cay được làm chủ yếu từ
những nguyên liệu vô cùng đơn giản như: bột mì, khoai, sắn, bột chiên
xù, thì là… và đương nhiên đã là “cay” thì không thể thiếu “ớt”. Lần mò
mãi vào một con ngõ nhỏ trong khu tập thể Văn Quán, tôi mới lần đầu tiên
tự mình khám phá và thưởng thức thứ bánh "trứ danh" này. Cảm giác vô
cùng tò mò và thích thú!
Đĩa bánh cay "trứ danh"
Bánh
có hình thù nhỏ nhắn, cỡ mỗi chiếc chỉ như một trái nhót nhưng xù xì và
nhiều hình dạng, mỗi chiếc một hình, nhìn thoáng thì như một búi len
rối nhưng có người thích tưởng tượng thì lại cho rằng: “Mình đang ăn một cái kén sâu hay một loài côn trùng lắm chân”.
Tuy hình thù không được bắt mắt gì cho cam, nhưng hương vị và màu sắc
của bánh cay thì đặc biệt quyến rũ. Bạn sẽ không thể quên được cái cảm
giác khi cho vào miệng “cái kén sâu lộn xộn” giòn tan trong miệng, chấm
với tương ớt nhai “lốp rốp” cái vị bùi của bột mì hòa quện với vị thanh
ngọt thơm ngậy của sắn dây, khoai lang, xen lẫn đâu đó cái cay cay nồng
dịu của bột ớt, thì là… Ôi, nhớ đời! Cái độc đáo của bánh cay ở chỗ, tuy
có vỏ ngoài xù xì, cắn vào giòn rụm, vỡ tan nhưng bên trong lại mềm,
bánh đặc và có chút dai dẻo.
Bánh tuy xù xì, nhưng cắn vào giòn rụm.
Phết một lớp tương ớt...
Bên trong rất mềm và dai dẻo.
Quá
ngạc nhiên và tò mò về công thức làm bánh cũng như cái tên của món ăn
vặt độc đáo này, khi được hỏi, cô chủ hàng chỉ cười và bảo:
“Chẳng
có bí quyết gì cao siêu đâu con ơi! Chỉ là khoai, sắn bào thành sợi,
trộn với bột mì, bột xù hòa chút nước, thêm chút thì là, bột ớt, muối,
gia vị là cứ thế nặn thành từng miếng “chim chim” nhỏ mà thả vào chảo
thôi con” .
Hóa
ra, bánh cay công thức cũng không có gì cầu kỳ, cách làm cũng đơn giản.
Nhưng không phải ai cũng biết cách pha tỷ lệ sao cho đúng, cho vừa để
vỏ bánh đủ giòn, cắn vào là tan nhưng bên trong vẫn dẻo mềm đượm vị. Thì
là được cho vào thêm trong bánh khiến người ăn bánh cay cảm giác ngon
miệng, như ăn một thứ bánh nhân thịt hay món mặn vừa lạ vừa quen nào đó
nhưng thực chất là một món hoàn toàn chay. Một đĩa bánh cay gồm 8
chiếc có giá chừng 10.000 đồng ăn đủ no với người sợ béo nhưng lại thòm
thèm khi đi cùng đứa bạn thân.
Tại đây cũng có những món quen thuộc khác: bánh khoai, bánh ngô, xúc xích rán.
Trăm
nghe không bằng một thấy, “trăm đọc cũng chưa chắc bằng một nếm”, cái
ngon tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người. Nhưng nếu là người nghiện lê
la quán xá hay thấy “lòng trống vắng” lúc chiều đông, muốn nhấm nháp thứ
gì đó ấm áp ngọt bùi với hầu bao siêu tiết kiệm thì có vẻ như “bánh
cay” là lựa chọn hợp lý. Thế nhưng, hạn chế của món bánh này thì lại nằm
ở việc bạn sẽ phải lặn lội đường xa đi ra ngoại thành để thưởng thức,
chưa kể việc món bánh này chỉ đỏng đảnh xuất hiện trong mùa đông như họ
hàng nhà “bánh ngô, khoai, chuối”. Nhưng với tất cả những rảnh rỗi và
tình yêu ẩm thực, hãy thử một lần nếm bánh... xem sao!
Tags: hoc cam hoa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét