Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Quà vặt chiều Hà Nội

Tại sao lại cứ phải là lên phố? (Ý nói khu phố cổ Hà Nội nằm bên cạnh Hồ Gươm). Hẳn là cũng có nhiều người như tôi, mỗi khi nghĩ đến “phố” là tặc lưỡi vì ngán ngẩm cảnh đông đúc mỗi buổi chiều và đặc biệt là vào buổi tối. Thế nhưng, tôi cũng phải thừa nhận thêm rằng, những buổi chiều cuối tuần, sau giờ đi làm về muốn đi ăn, đi uống, đi "xõa" cho bõ 5 ngày ngồi "mòn đũng quần" ở văn phòng, quanh đi quẩn lại tôi và bạn bè rốt cục lại hẹn nhau: “Cứ đi lên phố cái đã”

Không hẳn là do chúng tôi lười động não và lười khám phá quán ăn ở những nơi khác, mà bởi nguyên nhân khách quan không ai phủ nhận được: ẩm thực trên phố có cái gốc là ẩm thực của 36 phố phường Hà Nội, lại được chú trọng và tập trung hơn do nơi đây là tụ điểm của giới trẻ và là trung tâm du lịch.

Vậy thì, cứ mỗi cuối tuần, mời các bạn cùng tôi khám phá từng ngõ ngách phố cổ Hà Nội, tìm đến những món ngon mà khó ai có thể cưỡng lại được. Và trong những chiều thu nắng dìu dịu thế này, mỗi một lần chúng ta sẽ đi dạo qua một hai tuyến phố nhất định, rẽ vào các quán ven đường, các quán bình dân nhỏ xinh rồi “mặc kệ sự đời”, bỏ qua lo sợ tăng cân, dầu mỡ, bụi bặm… Bởi ăn uống ở trên phố, ấy là một cái thú!

Hôm nay, để khởi động, chúng ta sẽ bắt đầu đi theo tuyến đường "xương sống": từ tụ điểm đông nhì là Nhà Thờ Lớn Hà Nội đến tụ điểm đông nhất là ngã tư quốc tế.

Khu xung quanh Nhà Thờ Lớn Hà Nội đông đúc chỉ kém ngã tư quốc tế, nhưng không nhộn nhạo và có phần sạch sẽ hơn do chủ yếu là quán cà phê và trà chanh. Tại đây, nếu bạn muốn ăn hơi no một chút, xin mời rẽ vào phố Ấu Triệu. Phố này có ngõ nem chua nướng nổi tiếng, nhưng hãy bước qua chỗ đông ghế nhựa xanh đỏ đó để đến quán Banh-Mee mới định cư ở số 18. Đây là cơ sở 2 của tiệm bánh mỳ nóng Banh-Mee được mở đầu tiên ở 12 Đặng Tiến Đông và là một trong những hàng bánh mỳ hiếm có “chui” vào bán trong nhà thay vì “nhoai” ra vỉa hè như đa số các hàng quán khác ở phố cổ. Bánh mỳ ở Banh-Mee vì thế mà đảm bảo vệ sinh hơn, nguyên liệu cũng minh bạch và được bảo quản tốt hơn. Bánh mỳ có giá 28-32-36 nghìn đồng 1 chiếc tùy số lượng nhân.

Bánh mỳ Banh-Mee

Đứng từ trước Nhà Thờ Lớn, đi thẳng là con phố Lý Quốc Sư với nhiều hàng quán và cửa hiệu xinh đẹp. Là một trong những con phố được khách du lịch thích đi bộ nhiều nhất ở Hà Nội, ẩm thực trên phố này cũng vì thế mà phong phú và các quán trụ vững được lâu. Trước tiên là các loại bánh rán, bánh gối, bánh tôm, bánh bột lọc. Với những món này, bạn có thể đến quán đông nhất và đã nổi tiếng lâu năm nằm ngay sát chùa Lý Triều Quốc Sư. Hoặc, thử bánh ở hàng khiêm tốn bên cạnh nếu như ngại đông và ngại “đắt”.


Món thứ hai gắn liền với tên phố Lý Quốc Sư là cháo sườn. Và với món này, bạn cũng có 2 lựa chọn: quán đông và quán nhỏ. Quán đông, như lựa chọn của nhiều người, nằm ở ngã ba của Lý Quốc Sư với Ngõ Huyện. Đến những giờ đông, khách ngồi tràn kín hai mặt phố này. Quán nhỏ nằm khuất bên phía đối diện của quán đông, cũng là một quán lâu năm, theo bà chủ kể là bà đã bán cháo ở cái ngõ này được hai mươi mấy năm rồi. Cháo của hàng bà hạt gạo xay nhỏ hơn một chút, và dẻo quẹo như bột em bé.


Cháo sườn quán bên Ngõ Huyện


Bác bán cháo sườn đã hơn 20 năm nay ở ngõ đối diện.

Đi khỏi con phố Lý Quốc Sư, mời bạn rẽ phải ra Hàng Bông để đến góc ngã ba với Hàng Trống, nơi có quán phở bưng trứ danh. Không chỉ có cách ăn khác biệt (vừa bưng vừa ăn, không dùng thìa mà phải húp sì sụp từng ngụm nước dùng), giá rẻ (giờ đã lên 25 nghìn đồng 1 bát), vị phở ở đây khá ngon, thanh và đậm đà, không bị lợ vị mì chính, miếng thịt mềm và quẩy mới rán nên giòn, dai vừa đủ.

Tuy cách ăn có phần "vất vả" nhưng quán phở này vẫn luôn đông thực khách và hết rất sớm.

Nếu đã đi trên tuyến phố Hàng Bông - Hàng Bài thì không thể không rẽ vào con phố Tô Tịch để gọi một cốc hoa quả dầm. Với chiều dài chưa đến 100m mà hàng hoa quả dầm đã chiếm đến quá nửa, phố này vì thế mà còn được gọi là “Phố Hoa quả dầm”. Hoa quả tại đây được cắt sẵn vả bỏ vào cốc hoặc bát, xếp chồng lên nhau trông thích mắt. Và cũng vì thế, phục vụ vô cùng nhanh nhẹn.

Hoa quả dầm thu hút chủ yếu đối tượng khách là học sinh, sinh viên và dân văn phòng.

Quay trở lại tuyến đường “xương sống”, chúng ta rẽ vào phố Đinh Liệt - Tạ Hiện. Tại đây, vẫn theo tiêu chí ăn vui, ăn chơi như các món được giới thiệu từ đầu đến giờ, thì trên dãy phố này có bánh rán, bánh giò và ốc. Bánh rán được bán ở ngay cạnh ngõ Gia Ngư (đoạn phía bên gần Hàng Đào), có bánh mặn và bánh ngọt. Bánh to, dày dặn, có tương ớt rất ngon và chủ yếu bán mang đi. Vẫn có 1, 2 chiếc ghế nhựa để bên cạnh để khách ngồi, mà hễ khách nào ngồi đấy là cô bán hàng rất quý, tíu tít bảo ngồi, đưa giấy ăn rồi sốt sắng giục lấy tương ớt. Đi thêm vài bước chân nữa là đến quán ốc khá nổi tiếng vì… đắt. Tuy nhiên, ăn ốc có vẻ rườm rà thì tại đây có nhiều lựa chọn ăn vặt khác cho bạn: bánh giò, bánh chưng và một vài loại quà quê như bánh cốm, bánh gai, bánh chín tầng mây…

Quán ốc, bánh giò, bánh chưng và các loại bánh cổ truyền.

Bánh rán mặn

Cuối cùng, ngã tư quốc tế Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện đã ở ngay trước mắt. Nếu như đến cuối hành trình rồi mà bạn vẫn chưa chọn được món ưng ý. Thì lùi lại vài bước, bạn có bún riêu nằm bên trái ngay sát ngã tư, lùi một chút nữa ở ngõ Trung Yên là bún cá Cây Sâm, hoặc đi qua ngã tư đến gần số 40 Lương Ngọc Quyến là bún riêu và bún ốc nguội, đi tiếp là bánh bao đắt nhất Hà Nội (khoảng 40 nghìn đồng 1 chiếc bánh bao có nhân), đi đến đầu phố Tạ Hiện là quán chè quê...

Bún ốc nguội

Chè quê

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Iphone 6s plus | iphone 6s cũ
Trung tâm dạy nấu ăn Quả Táo Vàng Trụ sở chỉnh: Số 1/5 ngõ 34A Trần Phú - Ba Đình - Hà Nội Chi nhánh: Tầng 1- Tòa nhà CT9, Khu đô thị Mễ Trì Sông Đà - Từ Liêm - Hà Nội (đường Trần Văn Lai, đối diện Keangnam) Hotline: 0932.330.567 l Tel: 043.84.89.888 Email: info@goldenapple.com.vn Fanpage: https://www.facebook.com/trungtamdaynauanquataovang